(QNĐT) - Giới chơi đồ cổ của Việt Nam hiện hay nhiều người biết đến tiếng ông. Thời gian không xa nữa, họ sẽ biết đến ông nhiều hơn, khi ông đưa vào hoạt động nhà trưng bày hiện vật văn hoá qua các thời đại Việt Nam. Đó là ông là Lâm Dũ Xênh - ở tổ dân phố 3, thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn).
Ông Xênh cho rằng, đã là nhà trưng bày hiện vật văn hoá cổ thì ít nhất, tự thân căn nhà ấy phải có dáng dấp "cổ" trước đã. Chính vì vậy, anh Xênh đã "lùng" mua cho được những căn nhà cổ xưa ấy.
![]() |
![]() |
Những hiện vật sẽ được Lâm Dũ Xênh trưng bày |
Thế nhưng việc đi mua ấy rất khó. Bởi một phần thì qua thời gian, qua nhu cầu sinh hoạt, người dân phá bỏ nhà xưa của mình để "bê tông cốt thép". Phần khác, những ai đã giữ lại nhà cổ thì ít nhất, họ đã ý thức được việc giữ gìn những gì mà tổ tiên họ để lại. Khó là vậy, nhưng rốt cuộc, anh Xênh vẫn mua được 3 căn nhà trên một trăm năm tuổi để phục chế lại bài bản và đúng theo ý tưởng "tứ quí": Mai, lan, cúc, trúc của mình.
Hỏi những ai bán nhà, thì anh không tiết lộ, mà bảo đó là "cái duyên" của mình với người bán nhà cổ.
Dẫn chúng tôi đến nơi phục chế nhà cổ, anh Xênh cho biết, căn nhà này là căn nhà thứ 3 và cũng là căn nhà cuối cùng theo ý tưởng của anh. Còn thợ phục chế nhà này phải là thợ "nòi", có nhiều kinh nghiệm trong nghề. Do đó, anh phải cất công ra Hội An, huyện Thăng Bình để rước thợ về.
![]() |
Lâm Dũ Xênh và nghệ nhân Trương Thanh Hùng. |
Ông Trương Thanh Hùng - thợ "cả" phục chế ngôi nhà cho chúng tôi biết thêm: Thông thường các kiểu nhà này, người ta thường làm theo kiểu "tam gian nhị hạ" (3 gian, 2 chái, mỗi nhà có diện tích khoảng 120m2 trở lên), hoặc "nhất gian nhị hạ" (1 gian, 2 chái).
Ông Xênh thì phát hoạ nhà trưng bày theo hình chữ U và mỗi căn đều theo kiểu: "Tam gian nhị hạ". Và vì phục chế, nên tuỳ theo chất lượng ngôi nhà cổ mua về được mà việc phục chế nhanh hay chậm.
Vì phải chạy vạy mua các loại cây cùng loại lắp ghép vào. Hơn nữa, có nhà cột, rường bị hư, thế là ông Xênh phải chạy "tứ tung" từ rừng xuống biển mua các loại cây phù hợp để "thế chỗ". Mà hiện nay, mua cây hợp pháp cũng không phải dễ dàng gì, vì thủ tục cũng lắm nỗi nhiêu khê.
Đến nay, căn nhà thứ 3 đang phục chế phải mất khoảng 1 năm nữa mới hoàn thành. Nghĩa là, từ khi triển khai kế hoạch đến khi hoàn thành, ông Xênh đã mất 4 năm thực hiện. Theo đó, khi 3 căn nhà được dựng lên thành nhà trưng bày, nó sẽ có diện tích khoảng 500m2.
![]() |
Lâm Dũ Xênh giới thiệu sản phẩm gốm Chămpa. |
Trao đổi với chúng tôi về thời gian và địa điểm dựng nhà trưng bày, ông Xênh cho biết: Nếu không có gì trở ngại, khoảng 1 năm nữa sẽ đưa nhà trưng bày vào hoạt động. Hiện nay, ông cũng đang cùng chính quyền và ngành văn hoá tiến hành các thủ tục cần thiết để thực hiện dựng nhà trưng bày trên địa bàn thị trấn Châu Ổ - Bình Sơn.
Khi đưa vào hoạt động sẽ trưng bày 500 món cổ vật (trong trên 10.000 cổ vật ông Xênh sở hữu), lâu đời nhất là từ thời văn hoá Sa Huỳnh và Đông Sơn, còn gần nhất là trên 100 năm. Trong đó, có nhiều món đồ cổ mà giới chơi đồ cổ hiện nay "mơ cũng chẳng biết kiếm được". Đặc biệt, ông Xênh dành không gian riêng giới thiệu về gốm Mỹ Thiện - làng gốm có bề dày lâu đời, nơi ông đang sống hiện nay.
Thổ lộ lòng mình, ông Xênh cho biết: Tất cả những việc làm của ông là muốn quảng bá hình ảnh văn hoá Sa Huỳnh - Quảng Ngãi và văn hoá Việt Nam ra trong và ngoài nước. Bao nhiêu năm đam mê sưu tầm, tìm hiểu về đồ cổ, về văn hoá Việt Nam qua các thời đại, ông Xênh đều hướng đến giá trị văn hoá lịch sử của Việt Nam.
Thiết nghĩ, với những việc làm đầy thiện chí ấy, các ngành, các cấp nên tạo điều kiện để ông Xênh thực hiện được ý tưởng tốt đẹp của mình. Hơn nữa, một khi có nhà trưng bày, Quảng Ngãi còn thu hút nhiều khách du lịch hơn về đây thăm thú, nghiên cứu về đất Quảng.
Bài, ảnh: PHẠM ANH
(Nguồn: https://baoquangngai.vn/channel/2028/201005/mot-nguoi-dan-ky-cong-lam-nha-trung-bay-co-vat-1943275/)